x

x

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

KIÊN NHẪN


"Hãy kiên nhẫn với tất cả mọi thứ, hãy kiên nhẫn với chính bản thân mình"
St Francis de Sales

Hơi thở hổn hển, mồ hôi lấm tấm rịn ra từ các lỗ chân lông, đứng ở chân cầu thang, tôi cố gồng mình nhấc chân đặt lên bậc thang đầu tiên nhưng không sao cử động được. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi lại thấy bản thân yếu đuối, mệt mỏi và vô dụng đến thế này. Chán nản và ngã lòng, tôi rũ người trên thành lan can đầy bụi. Chút sức còn lại trong tôi đang suy sụp trong cái nóng khô hanh của mùa hè. Chuyến hành trình của tôi có vẻ như sắp bị bỏ dở giữa chừng. Bây giờ tôi có nên quay ngược trở lại không, hay là tiếp tục để chuốc lấy một rủi ro không lường trước? 
Bỗng tôi nhìn thấy một con kiến đang cố sức tha mồi về tổ bằng những bước dịch chuyển nặng nề.Con kiến nhỏ ấy đang làm việc cật lực trong đám bụi. Cũng giống như tôi, nó cũng đang rất khổ sở vật lộn với miếng mồi lớn nhưng vẫn thúc ép mình tiến về phía trước với sự quyết tâm hướng đến mục tiêu. Tôi đã đứng lặng quan sát con kiến như bị mê hoặc cho đến khi con vật bé nhỏ đó chạm tới bờ tường. Thật là một sự kiên trì vỹ đại !
Nghĩ về hình ảnh những chú kiến tí hon sớm hôm bền bỉ đắp đất xây tổ, hì hục kéo lê thức ăn mang về dự trữ, tôi chợt nghiệm ra một điều rằng trở ngại không phải vì lớn hay bé mà có thể ngăn trở bước chân vượt qua và cũng không có thành công nào là không đáng kể cả.
Như được truyền cảm hứng, tôi tập trung can đảm, quyết tâm tiến về phía trước và hoàn tất hành trình của minh. Tôi nhắm mắt lại, cố hình dung đích đến đang ở trước mặt. Mỗi giây trôi qua, tôi lại lập được một thành tích mới cho riêng mình. Tôi từ từ hé mắt ra, tôi phát hiện mình đã leo lên được đến đỉnh. Nước mắt tôi đã thôi không còn chảy. Thành công rồi, một thành công tuyệt diệu bắt đầu từ mong muốn xoá bỏ mặc cảm tật nguyền.
Từ trải nghiệm trên, tôi rút ra một kết luận rằng, trong bất kỳ tình huống gian nan nào, chỉ cần kiên trì theo đuổi một mục tiêu cụ thể, sớm muộn gì chúng ta cũng đạt được thành công. Bởi suy cho cùng, nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công là một nhận thức rõ ràng về con đường phía trước. Bạn không thể bị lạc nếu biết chắc mình đang đi về đâu để từ đó có sự định hướng và lựa chọn những phương tiện phù hợp. Trái đất tuy rộng lớn nhưng chỉ có bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc mà thôi; vũ trụ tuy nao la nhưng chỉ có mỗi một mặt trời chiếu sáng rực rỡ ở phương Đông. Lối đi có thể là hằng hà sa số nhưng đích đến thì chỉ có một.
Là một người kiên cường và dũng cảm, bạn biết được điều đó. Việc phải mất bao nhiêu thời gian, đổ ra bao nhiêu công sức không quan trọng bằng đâu là điều bạn muốn đạt được. Hãy thiết lập mục tiêu và kiên trì trước thử thách để biết đâu mới là ý nghĩa của cuộc đời mình. 
(
Sưu tầm)



Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

NIỀM VUI KHI NÀO ĐẾN ?

Một nhóm thanh niên luôn cảm thấy cuộc sống thật vô vị, nên họ cùng nhau đi khắp nơi tìm niềm vui, họ gặp rất nhiều phiền toái, sầu não và đau khổ. Vì vậy, họ tìm đến hỏi Socrates:
-Niềm vui cuối cùng ở đâu vậy? Thưa thầy, tại sao chúng tôi đi tìm niềm vui nhưng chúng tôi chỉ thấy những điều không vui, và chúng ngày càng không ngừng tăng lên?
Socrates nói:
-Trước tiên hãy giúp tôi đóng một chiếc thuyền !
Nhóm thanh niên tạm thời gác chuyện đi tìm niềm vui sang một bên, tìm công cụ đóng thuyền, trải qua bốn mươi chín ngày lao động vất vả, họ đóng xong chiếc thuyền độc mộc. Khi hạ thủy, họ mời Socrates xuống thuyền, cùng hợp lực chèo, cùng ca hát.
Socrates hỏi:
-Thế nào, các anh có vui không?
Nhóm thanh niên đồng thanh trả lời:
-Rất vui!
Socrates nói:
-Niềm vui là như thế, nó là sự bận rộn vì một mục đích rõ ràng và nó cũng đến rất bất ngờ.
ST


Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

HỌP MẶT KỸ THUẬT HUẾ - NVD

HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG KỸ THUẬT HUẾ

ngày 04-5-2014


Nguyễn Văn Dũng

Vui mừng nhận được thư mời họp mặt trường Kỹ Thuật Huế, kỷ niệm 115 năm ngày thành lập (1899-2014) do bạn Võ văn Kinh chuyển gởi. Rồi tiếp đó bạn Kinh gọi điện thoại cho tôi và hỏi thăm: Đã nhận được thư mời chưa? Bạn nhớ cố gắng ra Huế tham dự”. Bạn Kinh còn nói nhỏ: “Anh Hữu, anh Hộ, anh Đoàn và Dũng, nếu không có phương tiện thì mướn Taxi đi ra Huế, Kinh hổ trợ…” Ôi! Thắm thiết tình bạn ÁO XANH dù chỉ mới gặp nhau vài lần mà dạt dào như rứa!
Cũng nên nhắc là bạn Võ văn Kinh vào Kỹ Thuật Đà Nẵng đệ Tam niên (lớp 10) niên khóa1965-1966 và lúc đó tôi đang học đệ Tứ (lớp 9) niên khóa 1965-1966.

Sân trường Cao đẵng Công nghệ Huế sáng ngày 4-5-2014

May thay ngày đi Huế được đi xe của Hà Ký cùng các bạn Trần phước Chánh, Lê sỹ Trị và Phan Liễu (lái xe). Từ Đà Nẵng ra Huế cả xe trò chuyện vui vẻ, nhất là được nghe Hà Ký "Lần đầu tôi kể…" hấp dẫn, mọi người ngất ngây với nhiều câu chuyện của bạn Ký. Đang chuyện trò hào hứng thì xe đã đến Truồi. Có người bạn cùng lớp với Trị và Ký hỏi xe đã đến đâu? Xin mời cả đoàn về bún Cẩm đường Trần cao Vân và từ đó tôi được biết thêm một người bạn mới, bạn Nguyễn hữu Thọ cùng khóa Trị và Ký, bạn Thọ hiện công tác tại Cảng Chân Mây.
Ăn bún Huế, chuyện trò và bạn Thọ mời về dùng Cà phê ở nhà bạn đường Lê Lợi. Hàn huyên ngắn ngủi vì đã đến giờ tham dự họp mặt tại trường Kỹ Thuật Huế.
Xe chúng tôi vào sân Trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế, cảnh quang thoáng mát, quý Thầy, Cô và Ái hữu đã khá đông. Nơi họp mặt là "pờ rê ô" rộng rãi. Trên sân khấu dã có sẵn những lẵng hoa chúc mừng. Đây là lần đầu tiên tôi vào Trường Kỹ Thuật Huế (nay là Trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế), mà tự dưng cảm thấy thân quen chi lạ.
Dạo quanh một vòng hội trường tôi thấy khóa 1971-1976 Kỹ Thuật Huế mạnh và đông nhất trong ngày hội. A! tôi lại gặp Ngô mậu Phú từ Đà Nẵng đi Honda ra Huế dự họp. Phú là học sinh Kỹ Thuật Đà Nẵng khóa 1962-1969, nhưng khi lên đệ Ngũ (Lớp 8) thì Phú chuyển ra học Kỹ Thuật Huế cho đến đệ Nhất (12/12).
Cùng ra Huế tham dự còn có anh Phạm văn Thạch và các bạn cùng khóa với anh (ở Kỹ Thuật Huế). Có Thầy Nguyễn Miễn, các bạn Đoàn văn Phô, Nguyễn Mười và Lâm Thành Tuấn.

Anh Vĩnh Ba trưởng Ban Liên Lạc chào mừng quan khách

Mở đầu, anh Vĩnh Ba trưởng ban liên lạc Kỹ Thuật Huế đọc diễn văn khai mạc và giới thiệu việc hình thành Ban Liên Lạc và Hội Ái Hữu Kỹ Thuật Huế. Anh cũng không quên ghi nhận sự góp sức và động viên tinh thần của Thầy Lê đình Thọ, nguyên giáo sư trường KT Đà Nẵng và trường KT Huế.
 Anh Phạm văn Thạch trưởng ban liên lạc Kỹ Thuật Đà Nẵng phát biểu cảm tưởng và chúc mừng ngày họp mặt truyền thống Kỹ Thuật Huế.
 Anh Võ văn Kinh cảm ơn quý mạnh thường quân đã đóng góp tài chính và công sức cho ngày hội, cảm ơn quý Thầy, Cô và thân hữu xa xôi đã về Huế chung vui.
Vào tiệc mừng ngày họp mặt tôi ước đoán thực khách vào khoảng 200 người. Bàn nầy rồi bàn khác liên tục hô vang "dô...dô..dô..." thật hoạt náo cả hội trường.

 Một phần quang cảnh hội trường

Trong phần văn nghệ giúp vui, các bạn Kỹ Thuật Huế hát hay quá. Các bạn có giọng hát Huế truyền cảm làm rung động lòng người nghe. Với riêng tôi giọng hát (không biết tên) khóa 1962 với ca khúc "NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG" làm tôi bồn chồn, rung động, nhớ lại tuổi học trò thuở 16-17 tuổi.
 Ôi! Kỷ niệm về những ngày thơ mộng từ lâu ở trong ký ức, trong tâm thức nay được gợi lại, cảm thấy nhớ và buồn. . .
Ấn tượng MC Hiền trong phiên đấu giá bức tranh sôi động, lôi cuốn tất cả mọi người, MC Hiền dắt cuộc đấu giá làm hào hứng bầu không khí tiệc vui và sau cùng Aí hữu Nguyễn văn Phúc đã chiếm đoạt bức tranh với giá 6.500.000,00 VNĐ.
Trong cuộc bốc thăm có thưởng, anh Minh đoàn Đà Nẵng trúng phần quà và tôi cũng được may mắn trúng phần quà sau cùng.
Cuộc vui liên tục, đoàn Đà Nẵng đường xa nên tạm chia tay hẹn gặp năm đến, nhưng anh Võ văn Kinh níu kéo và muốn mời đoàn thưởng ngoạn trà đạo tại Trà đình VŨ DI đường Minh Mạng, Huế. Trong cuộc trà đàm mọi người có nhận xét đánh giá cao thành quả của ngày họp mặt truyền thống Kỹ thuật Huế và nhận thấy đã thành công hơn mong muốn.
Cuộc trà đang vui thì anh Kinh báo cho anh em biết Ái hữu Nguyễn Định Chu đã vượt qua anh không bóp còi và đã thanh toán xong chi phí của  buổi trà hôm nay mời anh em.
Các anh ở KT Huế sao hiếu khách quá!
Từ giả Huế, chia tay những người bạn mới quen nhưng cảm thấy rất gần gũi, lòng bùi ngùi và mong có dịp trở lại Huế vào năm sau để thăm lại nhau.

                                                     Đà nẵng 20/5/2014
                                                               Nguyễn văn Dũng
                                                                     (ktđn 62-69)


Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

BA LẦN LÊN THUYẾT GIẢNG

Có một vị tu sĩ nổi tiếng đi ra ngoài du hành, ông đến một thị trấn nhỏ. Đây là lần đầu tiên ông đến thị trấn này, nhưng danh tiếng của ông thì ai ai trong thị trấn cũng biết. Vì thế khi hay tin ông đến, mọi người đều vui mừng mời ông thuyết giảng.
  Vị tu sĩ nói :
  -Tôi chẳng qua là một người ngốc nghếch, e là giáo đạo của tôi sẽ làm mọi người thêm mơ hồ, không dám nhận đứng ra thuyết giảng.
  Cho dù vị tu sĩ này có từ chối thế nào, mọi người vẫn kiên trì nài nỉ, chờ đợi.
  Vị tu sĩ không biết phải làm sao, đành nói :
  -Được rồi, thứ sáu này tôi sẽ thuyết giảng cho mọi người nghe, mọi người muốn tôi nói về đề tài nào ?
  Mọi người đều đồng thanh nói :
  -Đương nhiên là về Thiên Chúa.
  Đến thứ sáu, tất cả mọi người trong trấn đều tụ họp đông đủ, vị tu sĩ bước lên bục giảng thuyết trong tiếng hoan hô cổ vũ của mọi người. Ông ấy đứng giữa bục giảng, câu đầu tiên là hỏi :
  -Mọi người có biết tôi định nói gì về Thiên Chúa không ?
  Mọi người ngạc nhiên trả lời : Không biết, ngài định thuyết giảng gì với chúng tôi ?
  -Vậy thì – vị tu sĩ nói : -Vậy thì chẳng còn gì để nói nữa, bởi vì mọi người không có sự chuẩn bị, cho dù tôi có nói cũng vô dụng, vấn đề này rất phức tạp, cần phải tìm hiểu trước, thì mới thấu hiểu được.
  Nói xong, ông rời khỏi bục thuyết giảng.
  Tất cả đều ngây người ra, không hiểu gì, đành phải mời tu sĩ thứ sáu tuần sau thuyết giảng lại lần nữa.
  Một tuần thấm thoát trôi qua, thứ sáu vị tu sĩ lại đến, lại hỏi :
 - Mọi người có biết tôi định nói gì không ?.
  Nghe vị tu sĩ hỏi thế, tất cả đồng thanh trả lời :  "Biết" .
  Vị tu sĩ đáp :
  - Nếu như đã biết cả rồi, thì tôi không cần phải nói nữa, chỉ làm lãng phí thời gian của mọi người. Nói rồi ông lại rời khỏi bục thuyết giảng.
   Lúc này mọi người, không biết phải ứng phó thế nào, dường như họ sắp phát điên. Chắc là có điều gì uẩn khúc ở đây, vì vậy, họ lại một lần nữa thuyết phục vị tu sĩ.
  Tuần sau, vị tu sĩ lại đến, lại cùng một câu hỏi :
  - Mọi người có biết tôi định nói gì không ?
  Lần này thì mọi người đã thông minh hơn, một nửa nói biết, còn một nửa nói không biết.
  Vị tu sĩ lại bảo :
  - Vậy tôi không cần phải nói nữa, những ai biết thì nói lại cho người không biết.

ST



Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

HAI NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG VÀ CÂY RÌU

  Có hai người cùng đi trên một con đường, một người nhặt được một cái rìu, vì vậy kêu lên :
 - Xem tôi phát hiện ra cái gì này !
 - Không được nói là  "tôi"  - Người kia nói – Phải nói là chúng ta phát hiện ra.
  Một lúc sau người đánh mất cây rìu đến, chỉ người cầm rìu nói anh ta ăn cắp rìu.
 - Ơ kìa – Anh ta nói với bạn – Lần này chúng ta tiêu đời rồi.
 - Không thể nói : "chúng ta" - Người kia trả lời. Phải nói là : Tiêu đời tôi rồi.
  Một người không biết chia sẻ những thứ nhận được thì không thể mong người khác san sẻ nguy hiểm.
ST






Thơ NVD

A ! CHI  LẠ . . .
    Gởi TRẦN THU PHƯƠNG
  Trung học BỒ ĐỀ-TÂY LỘC-HUẾ  1967

A! mà chi lạ rứa ?. . .                     Hai ba ngày vắng anh . . .
Anh ni mới lạ hè . . . !                    Người bổng dưng tái lạnh !
Tui mô có quen biết ?                    Tại anh ? . . . tại anh hết ?
Mà răng anh cứ rứa,                       Tình mình không đoạn kết,
Đã nói với anh rồi.                         Chừ thì nói làm răng.
Lỡ ba mạ tui biết . . .                      Thôi gởi gió mây ngàn,
Thì biết nói làm răng ...?                A! mà chi lạ chưa ? . . .
A! mà răng cứ rứa.                         Tự dưng tui nhớ anh.
Đã nói không giữ hứa . . .               Chiều nay gió Thu vờn !
Cứ đi dọi sau lưng,                         Lòng tui lại bồn chồn . . .
Tui ốt dột như ri !                           Rồi tự hỏi lòng mình,
A! mà chi lạ chưa ? . . .                   Phải chăng?đã đổi thay
Lại đến cổng trường tui ? ? ?          Mà tự lòng không hay ! . . .
Lưng tựa - mắt đợi trông.                A! chi lạ chưa tề . . .
Tui mô biết-lông bông,                   Chiều ni tui muốn khóc.
Tụi bạn trố mắt to !                         Đừng nhìn tui- tui tủi ! . . .
Anh đừng có quanh co.                  Tui là hoa đồng nội,
Rồi ghé lại gần tui,                         Xin anh đừng qua vội . . .
Vội trao thư vào cặp ?                    Tui như con đôm đốm.
Mà răng tui hồng mặt,                     Răng đủ soi lòng anh ?
Tự răng - răng không tưởng . . .      Là cỏ mọn hoa hèn . . . !
Ôi! toàn lời tán thưởng !                  Đừng nhìn tui- tui tủi ?
Ru hồn bay lên cao ? . .                   A! chi lạ chưa tề ! .. .
Chiều nay lại nao nao.                    Tự diên (nhiên) tui muốn khóc . . .
Nếu ! không anh đến đón . . . ?
Thì mưa ướt vai gầy ! ! !                                     Nguyễn văn Dũng
Ai che chở dùm đây . . . ?                                          ktđn 62-69




DÒNG NƯỚC

Một lần, hai thầy trò đi ngang qua một khu rừng, lúc đó đã là giữa trưa, trời rất nóng. Người thầy cảm thấy khát nước, bèn bảo học trò :
 - Con quay lại khe nước mà chúng ta mới đi qua, lấy chút nước mang về đây.
Người học trò quay lại khe nước, nhưng nó quá nhỏ, lại vừa có vài chiếc xe chạy qua, nước trong khe rất dơ, nước này giờ không thể uống được nữa, bèn quay lại nói với thầy:
 - Nước trong khe giờ đã bị vẩn đục mất rồi, không thể uống được nữa, chúng ta tiếp tục đi thôi, không xa phía trước có một dòng sông, chúng ta có thể lấy nước ở đó uống.
Người thầy nói :
 - Không được, ta nhất thiết phải quay lại khe nước đó.
Người học trò nghe thấy thế trong lòng tỏ ra vô cùng bất mãn, bởi vì anh ta biết nước ở đó vốn đã không thể uống được. Hơn nữa bây giờ anh ta cũng cảm thấy khát. Nhưng anh ta vẫn tuân lời thầy, sau đó quay về nói :
- Sao thầy cứ nhất mực phải uống nước ở khe đó ?
Người thầy không trả lời mà chỉ nói :
- Con cứ quay lại lần nữa đi.
Người học trò này đến khe nước lần thứ ba, thì bùn đất đã lắng xuống hết, nước trong khe đã trong như ban đầu, ngay cả cặn cũng không con thấy nữa. Nhìn dòng nước trở nên trong sạch, người học trò vô cùng vui sướng, vội múc nước mang về.
 Sau đó quỳ dưới chân thầy nói :
- Sư phụ đã dạy con một bài học vô cùng quý giá : đó là không có gì là vĩnh viễn, chỉ cần có lòng nhẫn nại, thì sẽ vượt qua mọi khó khăn. Cũng giống như dòng nước kia, bùn đất rồi cũng lắng xuống, cặn bã cũng trôi đi, nước lại trở nên trong sạch như lúc ban đầu.
 Người học trò lại hỏi sư phụ :
- Hai lần đầu sư phụ bảo con đi lấy nước, có phải con nên làm gì để nước trở nên trong sạch?
 Người thầy trả lời :
- Con không cần phải làm gì cả, chỉ cần ở đó và chờ đợi. Nếu như con chạm vào, thì dòng nước sẽ bị vẫn đục ngay. Nước vốn không ngừng luân chuyển, con chỉ việc để mặc nó, tự nhiên nó sẽ trong lại thôi.
ST